QUẢNG CÁO
 
Truy cập
Đang online: 7
Tổng số: 692,615
CHI TIẾT
Phân tích thực trạng sử dụng kháng sinh trong đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai
Analysis of the actual use of antibiotics for acute exacerbation of chronic obstructive pulmonary disease in the Respiratory Centre of Bach Mai Hospital (Ha Noi)
Nguyễn Thu Minh, Trần Thúy Hường, Trần Thuý Ngần, Nguyễn Mai Hoa, Cẩn Tuyết Nga, Phan Thu Phương, Nguyễn Hoàng Anh, Ngô Quý Châu
Số: 522 - Tháng 10/2019 - Trang 3-8

Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) được xem như một biến cố nghiêm trọng trong diễn tiến tự nhiên của bệnh. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhập viện và tử vong ở bệnh nhân BPTNMT. Vì vậy, phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị ngay các đợt cấp có tác động tích cực đến tiến triển lâm sàng của bệnh, giảm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ tử vong cho bệnh nhân. Việc sử dụng kháng sinh trong điều trị đợt cấp BPTNMT góp phần lớn cải thiện tình trạng bệnh tật của bệnh nhân cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của họ do 50-70% căn nguyên gây đợt cấp BPTNMT là vi khuẩn. Trung tâm Hô hấp trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở đầu ngành về các bệnh hô hấp như viêm phổi, hen phế quản và BPTNMT. Tuy nhiên, hiện chưa có nghiên cứu nào được thực hiện nhằm đánh giá việc sử dụng kháng sinh trong điều trị đợt cấp BPTNMT tại đây. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm khảo sát đặc điểm bệnh nhân, đặc điểm vi sinh trong đợt cấp BPTNMT và phân tích việc sử dụng kháng sinh hướng đến các căn nguyên vi sinh trong đợt cấp BPTNMT tại Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 12/2017 – 11/2018.

Đối tượng nghiên cứu

Tất cả hồ sơ bệnh án của bệnh nhân điều trị nội trú tại Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai được chẩn đoán đợt cấp BPTNMT, có thời gian ra viện từ ngày 01/12/2017 đến ngày 30/11/2018. Loại trừ các bệnh nhân < 40 tuổi theo tiêu chuẩn chẩn đoán phân biệt BPTNMT với bệnh hen phế quản, bệnh nhân không sử dụng kháng sinh hoặc có thời gian sử dụng kháng sinh ≤ 2 ngày trong thời gian điều trị tại khoa hoặc hồ sơ bệnh án không tiếp cận được trong quá trình thu thập thông tin.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu hồi cứu mô tả trên các bệnh án của bệnh nhân điều trị nội trú. Các chỉ tiêu nghiên cứu bao gồm: Đặc điểm bệnh nhân, đặc điểm vi sinh và đặc điểm vi sinh trong mẫu nghiên cứu. Trong đó, mức độ nặng đợt cấp BPTNMT được đánh giá theo tiêu chuẩn Anthonisen. Về phân loại phác đồ kháng sinh, phác đồ kháng sinh hướng đến vi khuẩn cộng đồng là phác đồ chứa ít nhất một kháng sinh có phổ tác dụng trên vi khuẩn cộng đồng (S. pneumoniae, H. influenzae, M. catarrhalis và vi khuẩn không điển hình), bao gồm kháng sinh nhóm penicilin phối hợp với chất ức chế β-lactamase, nhóm cephalosporin (trừ ceftazidim và cefepim), nhóm macrolid, moxifloxacin; Phác đồ kháng sinh hướng đến trực khuẩn mủ xanh (TKMX) là phác đồ chứa ít nhất một trong các kháng sinh có phổ tác dụng trên TKMX, bao gồm: cephalosporin (ceftazidim, cefepim), carbapenem (imipenem-cilastatin, meropenem, doripenem), piperacillin-tazobactam, quinolon (ciprofloxacin, levofoxacin), aminoglycosid, colistin; Phác đồ có bổ sung thêm kháng sinh tác dụng trên tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA) là phác đồ có chứa vancomycin hoặc linezolid. Phác đồ kháng sinh được đánh giá phù hợp với kháng sinh đồ khi kết quả kháng sinh đồ cho thấy vi khuẩn còn nhạy cảm với ít nhất một kháng sinh trong phác đồ.

Xử lý số liệu: Số liệu được quản lý và xử lý trên phần mềm Microsoft Excel.

Kết luận

Kết quả của nghiên cứu đã phản ánh thực trạng sử dụng kháng sinh trong đợt cấp BPTNMT tại Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai. Đa số bệnh nhân được điều trị bằng một phác đồ duy nhất trong suốt thời gian điều trị. Trong số các phác đồ ban đầu, tỷ lệ phác đồ kháng sinh hướng đến vi khuẩn cộng đồng và phác đồ kháng sinh hướng đến TKMX được sử dụng gần tương tự nhau, ngược lại, phần lớn phác đồ thay thế hướng đều đến TKMX. Tỷ lệ bệnh nhân được chỉ định phác đồ kháng sinh phù hợp với kết quả kháng sinh đồ khá thấp (chiếm 4,1% trong số 10,8% bệnh nhân có kết quả kháng sinh đồ). Ở những bệnh nhân lấy được bệnh phẩm để làm xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn, các căn nguyên vi khuẩn phân lập được nhiều nhất là các vi khuẩn bệnh viện gồm: P. aeruginosa, A. baumannii, S. maltophilia, K. pneumoniae. Kết quả của nghiên cứu là cơ sở để triển khai các nghiên cứu nhằm xây dựng phác đồ sử dụng kháng sinh phù hợp với căn nguyên gây bệnh và đặc điểm bệnh nhân mắc đợt cấp BPTNMT tại Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai.

This study was aimed to describe the use of antibiotics for the treatment of acute exacerbation of chronic obstructive pulmonary disease (AECOPD) at the Respiratory center, Bach Mai Hospital. A retrospective study was conducted by analysing all medical records of in-patients at the Respiratory Center, Bach Mai Hospital, who were diagnosed with AECOPD and had discharge time from December 1, 2017 to November 30, 2018. The total of 814 medical records were selected. The proportion of patients who could obtained specimens for bacterial culture tests accounted for nearly 60%. The isolation rate of bacteria/fungi from respiratory specimens was low (20.1%). The most common bacterial pathogens were hospital bacteria, including: P. aeruginosa, A. baumannii, S. maltophilia, K. pneumonia. 67.4% of patients did not change initial antibiotic regimen during treatment. The proportion of initial regimens directed to community bacteria (59.7%) and P. aeruginosa (55.7%) were similar, opposite to alternative regimens which mostly were directed towards P. aeruginosa (85.9%). This study suggested to develop an appropriate regimen for the antibiotics treatment in accordance with the etiology and characteristics of patients with AECOPD at the Respiratory Center of Bach Mai Hospital.

Quay trở lại

Bản quyền thuộc về Tạp chí Dược học – Bộ Y tế

Địa chỉ: 138 A Giảng Võ - Quận Ba Đình - Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 04.37367717 – 04.37368367 - E-mail: tapchiduocbyt@gmail.com