Atenolol thuộc nhóm thuốc chẹn beta có tác động chủ
vận chọn lọc trên thụ thể β1 được sử dụng phổ biến trong điều trị
các bệnh tim mạch như cao huyết áp, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim cấp. Các
nghiên cứu đã chứng minh chỉ dạng đồng phân (S)-(−)-atenolol mới có tác dụng ức chế thụ thể β1 và dạng
đồng phân (S)-(−)-atenolol
đơn trị liệu có tác dụng dược lý như dạng hỗn hợp racemic. Việc sử dụng đồng phân (S)-(−)-atenolol sẽ cho tác dụng chọn lọc trên tim,
giúp tránh được một số tác dụng phụ gây ra của dạng đồng phân (R)-(+)-atenolol. Với những ưu
điểm trên, việc nghiên cứu tổng hợp (S)-(−)-atenolol dược dụng ứng dụng trong bào chế thuốc đang ngày càng
được chú ý. Trong nghiên cứu này, (S)-(−)-atenolol được nghiên cứu tổng hợp
ở quy mô phòng thí nghiệm trong điều kiện
Việt Nam. Đây cũng là tiền đề cho việc xây dựng quy trình công nghệ tổng hợp (S)-(−)-atenolol dược dụng phù hợp với định
hướng phát triển nền công nghiệp hóa dược Việt Nam.
Nguyên liệu
Các nguyên liệu sử dụng trong nghiên cứu được mua từ các hãng hóa chất
như Acros Organics (Geel, Bỉ), TCI Chemicals (Tokyo, Nhật) và Merck
(Darmstadt, Đức).
Phương pháp nghiên cứu
(S)-(−)-atenolol (5) được tổng hợp từ
4-hydroxyphenylacetamid (1) và
epiclorohydrin tạo dẫn chất O-ether (2) dựa trên phản ứng Williamson. Dẫn chất O-ether (2) tham gia vào phản ứng mở vòng
oxiran với tác nhân acetyl clorid tạo dẫn chất clorohydrin (3), theo sau bằng phản ứng ester hóa với
tác nhân anhydrid acetic tạo dẫn chất (RS)-ester acetat (4).
Hỗn hợp racemic dẫn chất 4
được thủy phân chọn lọc bằng enzym Amano lipase từ chủng Pseudomonas
fluorescens thu được (R)-ester acetat (R)-4. Dẫn chất
(R)-4 được thủy phân ester trong môi trường kiềm theo sau được cho
phản ứng với isopropyl amin thu được (S)-(−)-atenolol (5) (Sơ
đồ 1). Các sản phẩm tổng hợp được
kiểm tra độ tinh khiết bằng sắc ký lớp mỏng (SKLM), nhiệt độ nóng chảy và xác định cấu trúc bằng phổ MS, NMR, xác định độ tinh khiết quang học
bằng đo góc quay cực.
Kết luận
Nghiên cứu đã tổng hợp thành công đồng phân (S)-(−)-atenolol
theo quy trình tổng hợp 5 bước trong đó có sử dụng xúc tác lipase từ Pseudomonas fluorescens. Sản phẩm tổng
hợp được có độ tinh khiết quang học cao, tuy nhiên hiệu suất toàn quy trình còn
thấp. Từ kết quả này, những nghiên cứu tiếp theo sẽ hướng tới tối ưu hóa quy
trình tổng hợp nhằm nâng cao hiệu suất và đồng thời nghiên cứu nâng cấp quy mô
phản ứng, xây dựng quy trình công nghệ tổng hợp (S)-(−)-atenolol dược dụng phù hợp với điều kiện
Việt Nam nhằm có thể ứng dụng đưa vào sản xuất nguyên liệu dược phẩm.
|